Phần còn lại của châu Âu đang lao vào những trận đấu pressing tầm cao nghẹt thở và số bàn thắng không tưởng thì Serie A vẫn đứng đó như một “pháo đài” kiên định, vững vàng và đầy toan tính. Giải đấu hàng đầu tại “đất nước hình chiếc ủng” được xem là pháo đài chiến thuật cuối cùng của châu Âu. Nơi mỗi bước di chuyển đều đã được tính toán kỹ càng, nơi hàng phòng ngự là chủ chốt, là xương sống của thành công. Đây cũng là nơi, bản sắc bóng đá vẫn được giữ nguyên, chưa bị cuốn theo làn sóng giải trí đơn thuần.
Nhưng, giữa làn sóng thay đổi để thích nghi, liệu pháo đài cuối cùng ấy của Serie A đang giữ lấy bản sắc đích thực hay đang lỗi thời, bị tụt lại phía sau trong cuộc các mạng bóng đá toàn cầu? Hãy cùng Bóng đá số dữ liệu giải mã dưới đây nhé!
Di sản Catenaccio: Phòng ngự là nghệ thuật
Với người yêu bóng đá Ý thì thuật ngữ Catenaccio chẳng còn xa lạ gì. Từ những năm 1960, nền bóng đá nước này đã được định danh bởi Catenaccio. Đây là một hệ thống phòng thủ khoa học, chặt chẽ đến từng bước di chuyển. Catenaccio không chỉ là triết lý bóng đá mà nó là một văn hóa chiến thuật. Juventus, Milan và Inter từng giành được ngôi vương ở đấu trường châu Âu là nhờ vào khả năng “đóng băng” đối thủ, không để họ có cơ hội xoay sở trong không gian chật hẹp.
Dù hiện tại, thời thế đã thay đổi nhưng bóng dáng của Catenaccio vẫn còn len lỏi ở những chiến thuật như 3-5-2, 4-3-1-2 hay lối chơi biến thể pressing linh hoạt. Tại Serie A, tất cả các đội bóng đều lên kế hoạch phòng ngự chặt chẽ và kỹ lưỡng trước khi bước vào trận đấu.
Lối chơi phòng ngự của bóng đá Ý không phải là cam chịu mà đó là cả một nghệ thuật. Ở góc độ chiến thuật, Serie A vẫn là giải bóng duy nhất tại châu Âu bảo tồn và phát triển được nghệ thuật phòng thủ này một cách nghiêm túc.

Thích nghi hay khước từ đổi mới?
Khi phần còn lại của bóng đá thế giới đang chuyển dần sang tấn công tốc độ cao, pressing liên tục thì Serie A lại mang dáng vẻ của một giải đấu “nhạt lửa”. Thống kê số bàn thắng trung bình của mỗi trận ở mức thấp, triển khai bóng chậm. Nhiều câu lạc bộ Ý vẫn ưu tiên phá bóng đảm bảo an toàn khung thành thay vì triển khai thế trận từ tuyến dưới. Điều này khiến giải đấu hàng đầu nước Ý nhiều lúc bị xem là ít sôi động. Nhất là với những khán giả trẻ đã quen với trận đấu pressing tầm cao đầy máu lửa của Premier League và sự phóng khoáng của bóng đá Tây Ban Nha.
Serie A đang gặp khó khăn trong việc đổi mới mà lưu giữ bản sắc. Một số câu lạc bộ như Atalanta, Napoli đã cố gắng dỡ bỏ rào cản định kiến bằng cách thử chơi một thứ bóng đá mới mẻ, pressing tầm cao, tốc độ. Nhưng, xét mặt bằng chung, tư duy “trước thận trọng, sau mạo hiểm” vẫn là yếu tố chi phối toàn cục.

Serie A thực sự xuống dốc sau C1 2022/23?
Mùa giải 2022/23, vòng chung kết đấu trường lớn nhất châu Âu có đến 3 đại diện đến từ nước Ý. Đó là Inter tại C1, Roma tại UEL và Fiorentina tại UECL. Dù không đội bóng nào trong 3 cái tên này dành được chiếc cúp vô địch, nhưng đó vẫn là minh chứng cho thấy bóng đá Ý có đẳng cấp cạnh tranh lục địa.
Thế nhưng, bước sang mùa giải 2023/24, mọi thứ dường như quay trở về quỹ đạo vốn có. Napoli bị loại sớm, Inter gục trước Atletico, và Roma, Milan hụt hơi, không thể qua vòng loại trực tiếp. Điểm yếu có thể thấy rõ của các đội bóng Ý là tốc độ, bề dày đội hình và sự linh hoạt trong thế trận. Đây chính là lời cảnh báo về việc giữ gìn nghệ thuật, giữ bản sắc nhưng nếu không thích nghi, không đổi mới sẽ bị bỏ lại phía sau.
Xem thêm: Văn Hóa Ultras: Nét Đẹp Hay Vấn Nạn Kéo Lùi Serie A?

Serie A cần đổi mới…nhưng bằng cách nào?
Đổi mới không phải đánh đổi, bản sắc vẫn sẽ được giữ lại. Serie A không cần đuổi theo Premier League về số lượng bàn thắng mỗi trận đấu. Tuy nhiên, họ cần thay đổi cách tấn công, tốc độ chơi bóng và sự linh hoạt trên sân cỏ.
Việc đầu tư vào những chiến lược gia trẻ có tư duy phóng khoáng, cởi mở như Thiago Motta, Francesco Farioli hay Rudi Garcia đã cho thấy các đội bóng Ý đang loay hoay giữa 2 yếu tố bản sắc và đổi mới. Bên cạnh đó, việc chiêu mộ những cầu thủ có khả năng tấn công xuất sắc cũng là một vấn đề. Giải đấu này có nhiều trung vệ giỏi nhưng lại thiếu những cầu thủ chơi sáng tạo ở hàng công.
Serie A sẽ tiếp tục bảo vệ “pháo đài” nghệ thuật của mình hay học cách đổi mới để bắt nhịp bóng đá hiện đại? Câu trả lời không có chỗ cho từ “hoặc”. Bóng đá Ý là nơi hoàn toàn có thể kết hợp, giao thoa giữa lối chơi tiến bộ cùng kỷ luật chiến thuật. Dám đối mặt, sẵn sàng vượt qua, Serie A sẽ tìm được giá trị trọn vẹn nhất. Nếu không, pháo đài kiên cố có thể trở thành bảo tàng cổ lỗ trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.
Hoàng Hải Nam là cây bút chủ lực và là linh hồn của chuyên mục tin tức, bình luận trên Bongdaso. Nổi bật với kiến thức bóng đá uyên bác, anh mang đến những bài phân tích chiến thuật sắc sảo, đa chiều và có chiều sâu. Không chỉ là lý trí, ngòi bút của anh còn rực lửa đam mê, truyền tải trọn vẹn những cung bậc cảm xúc của môn thể thao vua. Với phong cách độc đáo này, Hoàng Hải Nam đã trở thành một tên tuổi không thể thiếu với độc giả yêu bóng đá.